Căn cứ vào Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030; Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Công an, Công an Thành phố Hồ Chí Minh về việc triển khai cấp tài khoản định danh điện tử cho công dân.Từ ngày 25/02/2022 Công an thành phố Thủ Đức triển khai cấp tài khoản định danh điện tử cho công dân thông qua công tác cấp CCCD có gắn chíp điện tử. Để thuận tiện cho công dân biết, đăng ký, sử dụng tài khoản định danh điện tử. Công an thành phố Thủ Đức xin được thông báo một số nội dung liên quan đến tài khoản định danh điện tử, và nộp hồ sơ thủ tục hành chính qua Cổng dịch vụ công quốc gia cụ thể như sau:
1.Khái niệm:Tài khoản định danh điện tử là tập hợp gồm tên đăng nhập, mật khẩu hoặc hình thức xác thực khác được tạo lập bởi hệ thống định danh và xác thực điện tử của Bộ Công an. Tài khoản này được quản lý và xác thực trên ứng dụng định danh điện tử quốc gia (VNeID) do Bộ Công an phát triển.
- Mức độ của tài khoản định danh điện tử gồm:
+Mức độ 1: Tài khoản được tạo lập trong trường hợp thông tin của công dân kê khai đã được so sánh, đối chiếu tự động trùng khớp với thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Với tài khoản mức độ 1, công dân có thể sử dụng một số tính năng cơ bản như: phòng, chống dịch (khai báo y tế, thông tin tiêm chủng...), giải quyết dịch vụ công trực tuyến (thông báo lưu trú, đăng ký thường trú, tạm trú, khai báo tạm vắng,...)
+ Mức độ 2: Tài khoản được tạo lập trong trường hợp thông tin của cá nhân kê khai đã được xác minh bằng ảnh chân dung hoặc vân tay trùng khớp với thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân hoặc Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh. Với tài khoản mức độ 2, công dân có thể sử dụng tất cả các chức năng tiện ích mà ứng dụng định danh điện tử quốc gia cung cấp như: đăng ký tích hợp hiển thị các loại giấy tờ (giấy phép lái xe, đăng ký xe, bảo hiểm y tế,...) thực hiện các giao dịch tài chính như thánh toán hóa đơn điện, nước, đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế, chuyển tiền...
- Ứng dụng định danh điện tử quốc gia (VNeID) có thể được tải về thông qua kho ứng dụng Google play (CH play) đối với các thiết bị sử dụng hệ điều hành Android và App Store đối với các thiết bị sử dụng hệ điều hành IOS. Công dân cần nhập mật khẩu của tài khoản định danh điện tử vào lần đăng nhập đầu tiên trên thiết bị, từ những lần sau công dân có thể sử dụng vân tay/ảnh mặt để xác thực thay thế mật khẩu đăng nhập bằng cách thiết lập trong ứng dụng.
- Khi sử dụng các dịch vụ trong ứng dụng, công dân sẽ phải thực hiện xác thực bổ sung bằng vân tay/ ảnh mặt và mã passcode (chỉ công dân mới biết). Mật khẩu tài khoản của công dân được yêu cầu đặt có chữ hoa, chữ thường, số, ký tự đặc biệt (độ dài tối đa 8 ký tự); được yêu cầu thay đổi định kỳ (ít nhất 6 tháng/1 lần). Công dân cần đảm bảo thiết bị chỉ có vân tay/ảnh mặt của mình. Trường hợp có vân tay/ảnh mặt của người khác trên thiết bị đó thì nên sử dụng mật khẩu để đăng nhập và cần nhớ đăng xuất ứng dụng khi không sử dụng.
- Bên cạnh, người dân cũng đặc biệt chú ý là cán bộ Công an sẽ không gọi điện thoại yêu cầu công dân cung cấp thêm thông tin cá nhân hay bất kỳ loại giấy tờ nào khác. Hiện nay, Bộ Công an đã phát hiện một số đối tượng lợi dụng những thông tin bị lộ, lọt trên mạng Internet của công dân để giả mạo cơ quan chức năng gọi điện thoại cho người dân yêu cầu đăng nhập vào website giả mạo Cơ quan nhà nước để điền thông tin cá nhân, cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng, mã OTP xác thực gửi về điện thoại...Sau đó, những đối tượng này dùng thông tin trên đăng nhập các ứng dụng ngân hàng online, Momo, Zalopay...của nạn nhân rồi chiếm đoạt tài sản. Trường hợp công dân nhận được điện thoại của người lạ yêu cầu cung cấp những thông tin trên thì tuyệt đối không cung cấp, đồng thời gọi về số điện thoại hotline của Công an thành phố Thủ Đức số: 0693.187.344 để phối hợp xử lý
2. Lợi ích khi sử dụng tài khoản định danh điện tử
- Công dân khi thực hiện các dịch vụ công (đã được tích hợp trên ứng dụng định danh điện tử quốc gia) sẽ tự điền thông tin vào các biểu mẫu (form) đăng ký mà không phải khai báo, điền thông tin nhiều lần giúp tiết kiệm được nhiều thời gian, chi phí cho các loại biểu mẫu kê khai, giảm nhiều khâu thủ tục cần giải quyết.
- Công dân có thể cung cấp, chia sẻ thông tin của mình với bên thứ 3 thông qua quét mã QRCode hoặc giải pháp kỹ thuật khác khi hệ thống của bên thứ 3 đủ điều kiện kết nối với hệ thống định danh và xác thực điện tử.
- Công dân có thể thay thế Căn cước công dân vật lý (thẻ nhựa) và các loại giấy tờ mà công dân đăng ký tích hợp hiển thị trên ứng dụng định danh điện tử quốc gia như: Giấy phép lái xe, đăng ký xe, thẻ bảo hiểm xã hội, mã số thuế...
- Công dân có thể thực hiện các giao dịch tài chính (thanh toán hóa đơn điện, nước, chuyển tiền...)
- Bảo mật thông tin công dân, không thể giả mạo, chính xác và duy nhất do thông tin được xác thực từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và dữ liệu gốc được Chính phủ giao cho Bộ Công an quản lý. Do vậy, khi công dân thực hiện các giao dịch trên môi trường điện tử sẽ thuận tiện và an toàn
3. Điều kiện đăng ký tài khoản định danh điện tử: Công dân từ đủ 14 tuổi trở lên đăng ký tài khoản định danh điện tử đồng thời khi làm thủ tục cấp CCCD gắn chíp điện tử. Trường hợp công dân chưa đủ 14 tuổi hoặc các trường hợp giám hộ thì đăng ký thông qua cha, mẹ hoặc người giám hộ.
* Các bước đăng ký cấp tài khoản định danh điện tử
- Bước 1:
+ Công dân thông báo với cán bộ về việc làm hồ sơ cấp tài khoản định danh điện tử. Thông tin đăng ký bao gồm: Số điện thoại đã được đăng ký thông tin với nhà mạng, địa chỉ hòm thư điện “email” (nếu có).
+ Công dân có thể cung cấp thêm các thông tin về người phụ thuộc cùng giấy tờ kèm theo (nếu công dân có nhu cầu tích hợp các thông tin này vào hồ sơ đăng ký cấp tài khoản định danh điện tử).
+ Trường hợp công dân có nhu cầu đăng ký tích hợp các thông tin hiển thị trên ứng dụng định danh điện tử quốc gia các loại giấy tờ như Giấy phép lái xe, đăng ký xe, thẻ bảo hiểm xã hội, mã số thuế...thì mang thêm cac loại giấy tờ gốc để đối chiếu.
Bước 2: Công dân thực hiện làm hồ sơ cấp, đổi, cấp lại CCCD gắn chíp điện tử bao gồm thông tin nhân thân cùng thông tin sinh trắc (hình ảnh, vân tay)
Bước 3: Cán bộ tiếp tục xử lý hồ sơ cấp, đổi, cấp lại CCCD gắn chíp theo đúng quy trình cấp Căn cước công dân.
Bước 4: Công dân kiểm tra, đối chiếu thông tin nhân thân, thông tin các loại giấy tờ đăng ký tích hợp và ký xác nhận trên phiếu đăng ký định danh điện tử, phiếu thu nhận thông tin Căn cước công dân.
* Lưu ý:
- Đối với trường hợp công dân chưa có tài khoản định danh xác thực định danh điện tử thì liên hệ Công an phường (không phân biệt thường trú/ tạm trú) để đăng ký cấp tài khoản định danh xác thực điện tử
- Đối với công dân đã được cấp tài khoản định danh và xác thực điện tử mức độ 1 thì liên hệ Đội Cảnh sát QLHC về TTXH – Công an thành phố Thủ Đức để đăng ký tài khoản định danh điện tử mức độ 2, theo thời gian và địa điểm như sau:
- Thời gian: Làm việc từ sáng thứ Hai đến 11 giờ 30 thứ Bảy hàng tuần
+ Buổi sáng: Từ 7 giờ 30 đến 11 giờ 30
+ Buổi chiều: Từ 13 giờ 30 đến 17 giờ 30
- Địa điểm:
+ Trụ sở Công an thành phố Thủ Đức (KV1), số 989 Đồng Văn Cống, phường Thạnh Mỹ Lợi, thành phố Thủ Đức.
+ Trụ sở Công an thành phố Thủ Đức (KV2), số 09 Xa lộ Hà Nội, phường Hiệp Phú, thành phố Thủ Đức.
+ Trụ sở Công an thành phố Thủ Đức (KV3), số 371 Đoàn Kết, phường Bình Thọ, thành phố Thủ Đức.
4. Tiếp nhận hồ sơ cấp CCCD gắn chíp điện tử và hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính thông qua cổng dịch vụ công trực tuyến
Nhằm chủ động thời gian, tiết kiệm chi phí đi lại: Công dân đăng ký đề nghị cấp, đổi, cấp lại CCCD; nộp hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính thì gửi hồ sơ thông qua Cổng dịch vụ công trực tuyến theo các bước sau:
Bước 1: Truy cập địa chỉ: https://dichvucong.dancuquocgia.gov.vn
Bươc 2: Tiến hành chọn thư mục thủ tục cấp, đổi, cấp lại CCCD; đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, khai báo tạm vắng, thông báo lưu trú hoặc thư mục công dân cần thực hiện
Bước 3: Tiến hành đăng ký tài khoản để đăng nhập: Đăng nhập số CMND/ CCCD, điền tất cả thông tin theo hướng dẫn, Cổng dịch vụ công sẽ gửi về số thuê bao di động mà tổ chức, cá nhân đăng ký sử dụng (thông tin thuê bao di động đã đăng ký chính xác với nhà mạng) một mã OTP gồm 06 số để điền vào theo yêu cầu cổng dịch vụ công.
Bước 4: Khi đăng nhập thành công vào hệ thống thủ tục hành chính thì tiến hành điền các thông tin cơ bản theo các bước hướng dẫn trên cổng dịch vụ công, đồng thời chuẩn bị hồ sơ thủ tục theo quy định của pháp luật để chụp ảnh gửi kèm, cụ thể như sau:
- Đăng ký thường trú: Người dân cần chuẩn bị các giấy tờ, tài liệu sau:
+ Tờ khai thay đổi thông tin cư trú;
+ Giấy tờ, tài liệu chứng minh việc sở hữu chỗ ở hợp pháp.
- Tách hộ: Thành viên hộ gia đình được tách hộ để đăng ký thường trú tại cùng một chỗ ở hợp pháp và đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật thì chuẩn bị
+ Tờ khai thay đổi thông tin cư trú, trong đó ghi rõ ý kiến đồng ý cho tách hộ của chủ hộ, chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp, trừ trường hợp đã có ý kiến đồng ý bằng văn bản;
+ Giấy tờ, tài liệu chứng minh việc sở hữu chỗ ở hợp pháp.
- Điều chỉnh thông tin về nơi cư trú trong Cơ sở dữ liệu về cư trú: Người dân cần chuẩn bị các giấy tờ, tài liệu sau:
+ Tờ khai thay đổi thông tin cư trú;
+ Giấy tờ, tài liệu chứng minh việc điều chỉnh thông tin.
- Đăng ký tạm trú: Người dân cần chuẩn bị các giấy tờ, tài liệu sau:
+ Tờ khai thay đổi thông tin cư trú; đối với người đăng ký tạm trú là người chưa thành niên thì trong tờ khai phải ghi rõ ý kiến đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ, trừ trường hợp đã có ý kiến đồng ý bằng văn bản;
+ Giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp.
- Thông báo lưu trú:
+ Việc thông báo lưu trú được thực hiện trực tiếp, bằng điện thoại, phương tiện điện tử hoặc phương tiện khác do Bộ trưởng Bộ Công an quy định.
+ Nội dung thông báo về lưu trú bao gồm họ và tên, số định danh cá nhân hoặc Chứng minh nhân dân, số hộ chiếu của người lưu trú; lý do lưu trú; thời gian lưu trú; địa chỉ lưu trú.
- Khai báo tạm vắng: Công dân trước khi đi khỏi nơi cư trú phải đến khai báo tạm vắng tại cơ quan đăng ký cư trú nơi người đó cư trú trong các trường hợp sau:
+ Trước khi đi khỏi nơi cư trú trong phạm vi cấp xã nơi đang cư trú từ 01 ngày trở lên đối với bạ can, bị cáo đang tại ngoại; người bị kết án phạt tù nhưng chưa có quyết định thi hành án hoặc đã có quyết định thi hành án nhưng đang tại ngoại hoặc được hoãn chấp hành án, tạm đình chỉ chấp hành án; người bị kết án phạt tù được hưởng án treo đang trong thời gian thử thách; ngườ đang chấp hành án phạt quản chế, cải tạo không giam giữ; người được tha tù trước thời hạn có điều kiện đang trong thời gian thử thách; người đang chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; người phải chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng nhưng đang được hoãn chấp hành hoặc tạm đình chỉ chấp hành; người bị quản lý trong thời gian làm thủ tục xem xét, quyết định áp dụng biện pháp đứa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng;
+ Đi khỏi phạm vi đơn vị hành chính cấp huyện nơi đang cư trú từ 03 tháng liên tục trở lên đối với người trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự hoặc người đang phải thực hiện các nghĩa vụ khác đối với Nhà nước theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
+ Đi khỏi phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi thường trú từ 12 tháng liên tục trở lên đối với người không thuộc trường hợp quy định trên, trừ trường hợp đã đăng ký tạm trú tại nơi ở mới hoặc đã xuất cảnh ra nước ngoài.
Sau khi khai báo đầy đủ thông tin và chụp bản ảnh giấy tờ, tài liệu gửi kèm thì tiến hành ghi và gửi hồ sơ.
*Lưu ý: Công dân phải xuất trình bản chính các giấy tờ, tài liệu liên quan đến thủ tục đăng ký cư trú khi có yêu cầu của cơ quan đăng ký cư trú theo quy định của pháp luật.